NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Mừng thọ
24.01.2014 00:13

Mừng thọ

 

                    

 

 


 Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, một trong những nét đẹp trong sinh hoạt của xã hội chúng ta là tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ các bậc cao niên. Thường là con cháu trong gia đình tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ ông bà, cha mẹ mình tại nhà. Mỗi năm, có hai dịp tổ chức lễ này : một là vào dịp sinh nhật các Vị trong gia đình. Hai là vào dịp Tết Nguyên đán.Vì sang năm mới hay sau ngày sinh nhật là  mỗi người thêm một tuổi mới nữa.  Ngoài việc tổ chức lễ này  trong gia đình, mang tính cách riêng tư, người ta còn tổ chức trong cộng đoàn hay ngoài xã hội, mang tính tập thể, chung cho mọi người trong cộng đoàn, cùng tuổi hay có cùng điều kiện do ban tổ chức ấn định.

Người Việt Nam chúng ta thường quan niệm rằng : người sống lâu là người có phúc, người được Chúa chúc phúc, người được Trời cho hưởng lộc. Vì thế, ai cũng muốn “sống lâu giầu bền”. Chúng ta kính trọng người cao niên, quý trọng người hơn tuổi mình.

Khi còn trẻ, ai cũng muốn  mình còn ít tuổi, có khi gia đình khai rút tuổi cho con để đủ tuổi đi học, đi thi. Vì mới ở tuổi này mà đã học đến lớp này, lớp nọ; đã giữ chức này, nhiệm vụ kia và tuổi về hưu sẽ dài thêm, lại nữa được tiếng là tuổi trẻ nhưng tài cao !

Khi về già, lại muốn tăng tuổi lên, chứng tỏ mình đã thọ như thế đấy mà sức khoẻ còn tốt. Nếu được ai khen cụ tuổi chừng đó mà trông còn trẻ, còn khoẻ như thanh niên thì trong lòng thấy vui vui. Nhưng ai mà bị chê là già trước tuổi, hay trông như “ông cụ non” thì cảm thấy mất vui !

Có vị cao niên còn “khoe” tôi có bao nhiêu cháu, bao nhiêu chắt và cảm thấy vui vì Chúa cho mình được đông con, nhiều cháu; cháu chắt đùm đề và còn được sống bên đàn con, lũ cháu ! Nhất là khi con cháu thành đạt thì lại càng hãnh diện, tự hào với bà con, làng nước. Vả lại,  trong xã hội xưa chủ yếu làm nông nghiệp, càng có nhiều con, càng có nhiều lao động, làm ra được nhiều của cải vật chất  và càng đa đinh (nhiều con trai) thì càng được nhiều ruộng làng chia cho. Ngày xưa, cách nay sáu, bảy mươi năm trở lên, ai sống trong đời sống công chức, làm công ăn lương tháng, được tuyển dụng vào chính ngạch, ăn lương theo chỉ số chẳng hạn, thì ngoài lương, phụ cấp đắt đỏ, còn có phụ cấp gia đình, tức là được hưởng phụ cấp của vợ và các con; vì thế, người  cùng ngạch, trật nhưng người độc thân thì  lương ít hơn người có vợ, con. Càng nhiều con thì lương càng tăng tuỳ theo số con. Và số tiền phụ cấp ít ỏi đó tạm đủ cho vợ, con đương sự. Vì thế, người ta sinh nhiều con mà không sợ thiếu hụt chi tiêu trong gia đình.

Người Việt Nam chúng ta có hai cách tính tuổi : tuổi tây và tuổi ta. Tuổi tây thì lấy số năm hiện tại trừ cho năm sinh. Vì dụ : ai sinh năm 1954 thì lấy 2014 – 1954 = 60 tuổi. Nhưng tuổi ta thì lấy tuổi tây cộng một. Vì khi một em bé chào đời là đã được tính một tuổi rồi . Đó là tuổi “mụ” cho. Mụ là vị nữ thần đã nắn đúc nên hình hài em bé trong dạ mẹ.Và em bé đã ở trong dạ mẹ 9 tháng 10 ngày mới chào đời, mới được sinh ra, nên tính là một năm. Lâu dần, người ta gọi bà đỡ, nữ hộ sinh , là những người giúp sản phụ sinh con là cô mụ hay bà mụ, tuỳ tuổi đời.

Còn có người tuổi trung niên hay tuổi cao, nhưng ăn ở không xứng hợp với tuổi của mình, mà lăng nhăng tình ái, vợ nọ, con kia, người đời gọi họ là “muốn bẻ sừng làm nghé” hay “già mà không nên nết”, bị xã hội và những người xung quanh đánh giá thấp về đức hạnh.

Đó là nói về lễ mừng thọ, chúc thọ trong phạm vi gia đình. Còn để tôn vinh tuổi thọ của các cụ, thì xã hội và cộng  đoàn cũng tổ chức lễ này trong cộng đoàn hay tại phường, xã, khu phố nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Những người tin Chúa tại các Giáo Xứ hay cộng đoàn Dòng tu, hàng năm cũng tổ chức mừng tho các Vị thuộc đơn vị mình  tại nhà thờ, nhà nguyện. Cụ thể, tại Giáo xứ tôi cư ngụ hồi đầu năm 2013 dương lịch, chuẩn bị mừng Xuân Quý Tỵ, Xóm giáo có tổ chức một Thánh Lễ tạ ơn tại nhà nguyện Xóm, để tạ ơn Chúa vì bao ơn lành hồn, xác đã lãnh nhận trong suốt năm qua  và xin ơn bình an và phúc lành cho năm mới sắp tới, đồng thời mừng thọ  các Cụ trong Xóm giáo, đáo hạn tuổi từ 70  trở lên. Các Cụ được mời ngồi vào chỗ dành riêng, được cầu nguyện và nhận lời chúc tốt đẹp của đại diện cộng đoàn. Sau Thánh Lễ, mỗi Cụ còn được nhận một phần quà biếu đem về.

 

Tại Giáo xứ tôi, lễ này được tổ chức vào ngày 31.12.2013, nhân lễ kết thúc Năm Thánh Giáo xứ, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ, (12.3.1963-2013), 60 năm làm phép ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn (20.12.1953-2013) và 80 năm thành lập Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn (7.10.1933-2013) .Trong Thánh Lễ tạ ơn trọng thể kết thúc năm hồng ân này là lễ mừng thọ các cụ trong giáo xứ từ 70 tuổi trở lên. Có tất cả 573 cụ ở độ tuổi này, được mời ngồi trong trong nhà thờ theo đơn vị Xóm giáo .Mỗi cụ, ngoài lời cầu nguyện, lời chúc còn được trao một tấm bằng Mừng thọ do Đức Hồng Y Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sàigòn  G.B. Phạm Minh Mẫn ký ép plastic và một cuốn lịch treo tường cả năm, có in hình ngôi nhà thờ giáo xứ  Bên trái phía dưới in hình con ngựa đang phi nước đại, ngụ ý “mã đáo thành công” trong năm con ngựa. Phần cuối ghi :”Mừng thọ quý Cụ ông , Cụ bà trong giáo xứ. Kính chúc một năm mới bình an, mạnh khoẻ và dồi dào ơn thánh”.

Thánh Lễ do Đức Giám mục Kontum Micaen Hoàng Đức Oanh chủ tế với khoảng trên 30 Linh mục đồng tế. Cuối lễ có nghi thức ban ơn Toàn xá Năm Thánh cho những người tham dự với những điều kiện thường lệ. Các cụ được mừng thọ, con cháu, gia đình và cộng đoàn tham dự đều vui mừng, phấn khởi tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp bổn mạng, cám ơn giáo xứ đã tổ chức một buổi lễ thật long trọng, sốt sắng, trang nghiêm và rất ấn tượng, mà 50 năm mới có một lần. Có nhiều cụ cả hai vợ chồng cùng được mừng thọ trong dịp này, làm con cháu và những người thân hết sức vui mừng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ vì cho đến tuổi này hai cụ vẫn còn nhau, vẫn có nhau, vẫn kiên vững trong niềm tin Công giáo và trung thành với nhau trong bí tích hôn phối. Thật là một hồng ân vô giá và là một kỷ niệm khó quên đối với mỗi cụ, mỗi gia đình các cụ và toàn giáo xứ. Sau lễ còn được chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh chung, ảnh riêng để lưu lại cho con cháu trong gia đình.

Đó là lễ mừng trong gia đình, trong xứ đạo. Còn ngoài xã hội, tại địa phương nơi tôi cư ngụ, hàng năm vào dịp lễ  người cao tuổi 01.10 cũng tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao niên. Năm 2013 này buổi lễ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 dương lịch tại trụ sở khu phố. Quý cụ ông, cụ bà được mặc áo gấm dài màu vàng và đội khăn xếp (khăn đóng) hay khăn vành dây (khăn hoàng hậu) cùng màu để dự lễ , chụp hình, quay phim làm kỷ nịệm. Sau khi nghe nói về ý nghĩa buổi lễ, công bố danh sách quý cụ hiện diện, lời chúc mừng của Ban tổ chức, của các ban ngành… Kết thúc buổi lễ, mỗi cụ được trao tặng một bằng mừng thọ do Chủ tịch hội người cao tuổi Việt Nam ký tên, được lồng trong một khung kính rất trang trọng.

Mỗi cụ được Vị có trách nhiệm trong Khu phố trao tận tay bằng này với lời chúc và nụ cười thật tươi. Tôi hơi ngạc nhiên khi Vị này lập đi lập lại nhiều lần (không phải là cho tất cả các cụ)  câu :”Chúc cụ “bách niên giai lão”. Sau buổi lễ, tôi tìm gặp Vị này để nói  đại ý : theo ngụ ý thì lời chúc đó, trong hoàn cảnh này chưa chính xác, không thích hợp và  xin vô phép hỏi câu chúc đó có nghĩa gì ? Vị đó trả lời : đó là chúc cụ sống lâu trăm tuổi (bách niên) và tuy già nhưng vẫn khoẻ mạnh (giai lão). Vị đó còn nhấn mạnh : tôi có học chữ Hán mà. Tôi hơi khựng lại và im lặng rút lui. Tự nghĩ hay vị đó đúng mà mình sai ? Ý vị đó muốn chúc là  hay, rất hay nữa.

Tôi về tra cứu các cuốn : Hán Việt từ đỉên của Đào Duy Anh (HVTĐ), Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính (VNTĐ) Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển của Trịnh Vân Thanh ( TNĐTDNTĐ) xin chia sẻ ít hàng như sau : Câu thành ngữ  “ Bách niên giai lão ” thì cả 4 chữ này đều là chữ Hán Việt. Bách: 100. Niên: năm. Lão: già.  Chỉ có chữ giai  là vừa là Hán Việt và Nôm và có các nghĩa sau :

·  Giai (Nôm) cũng gọi là trai : người thuộc giống đực (phái nam) còn trẻ như: Số cô có vợ, có chồng, sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. Giai hay trai cũng là đàn ông như bác trai, bạn trai.

·  Giai là đẹp, xinh đẹp, tốt đẹp, hay ho. - Giai âm: tin tốt lành. Giai điệu: điệu hát hay. Giai phẩm, giai tác: tác phẩm hay.  Giai nhân: người đẹp, con gái đẹp. Dập dìu tài tử, giai nhân (Kiều).   Giai thoại : truyện truyền tụng hay, đẹp. Giai tế: rể hiền, rể quý. (Tế: chồng của con gái. Rể. Giai tế, hiền tế, nghĩa tế có cùng nghĩa.

·  Giai : bậc thềm, tầng lớp, đẳng cấp của các quan. Giai cấp : thứ lớp, bậc. Hạng người trong xã hội.  Giai đoạn : thời kỳ, hồi. lúc. Âm giai: thứ tự những tiếng thấp, tiếng cao.

·  Giai là đều, cùng, khắp nơi. Tứ hải giai huynh đệ : bốn bể đều là anh em. Giai lão : cùng sống chung với nhau đến già.  Vợ chồng ở với nhau hoà hảo cho đến khi chết.

Bách / bá  niên giai lão : lời chúc cùng sống với nhau trăm tuổi. (HVTĐ). Bách niên giai lão nghĩa là trăm năm cùng già. Lời chúc những đôi tân lang (chú rể) và tân giai nhân (cô dâu) được sống lâu đến trăm tuổi. Trong Kiều có câu :

 

"Chữ đồng lấy đó làm ghi,

Mượn điều thất tịch mà thề bách niên" (TNĐTDNTĐ).

 

Qua vài lời trình bày thô thiển trên thì câu thành ngữ  “Bách (bà) niên giai lão” không dùng để chúc thọ một người, mà để chúc cho hai vợ chồng. Với sự hiểu biết còn hạn chế, người viết chỉ muốn được chia sẻ và rất mong được thông cảm.

 

  Thạch Vinh



CC Teresa (St)
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Về với Cha [22.06.2019 20:52]
 Bố tôi [16.06.2019 22:10]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số